Hoàn cảnh Nạn đói Nga 1921

Nền kinh tế Nga vốn lạc hậu nên không chịu được cường độ cao của cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất. Lệnh tổng động viên 10 triệu nam giới tham gia nhập ngũ đã làm cho sản xuất nông nghiệp thiếu nhân lực nghiêm trọng nên ngày càng suy thoái. Từ năm 1916 đến 1917, sản lượng lương thực của Nga giảm 20%. Nạn mất mùa, đói kém xảy ra khắp nơi. Sản xuất công nghiệp cũng đình đốn trong chiến tranh nên nạn thất nghiệp tăng nhanh.

Trong thế chiến thứ nhất, các mặt hàng có giá trị nhất là ngũ cốc, các phú nông và thương buôn đã đầu cơ, tích trữ lương thực: giá lương thực tăng cao hơn so với bất kỳ loại hàng hóa khác trong chiến tranh. Năm 1916, giá lương thực tăng cao hơn so với mức lương 3 lần, mặc dù vụ mùa bội thu trong cả hai năm 1915 và 1916. Giá ngũ cốc từ 2,5 rúp được dự đoán sẽ tăng lên đến 25 rúp. Với giá lương thực đắt đỏ, trong suốt năm 1916, người lao động ở đô thị Nga chỉ ăn trung bình khoảng từ 200 đến 300 gram lương thực cho mỗi ngày. Năm 1917, dân cư ở các đô thị của Nga được phép mua chỉ 450 gram bánh mỳ cho mỗi người lớn, mỗi ngày.

Tới năm 1917, nước Nga đã lâm vào một cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị hết sức trầm trọng. Sản xuất công nghiệp chỉ bằng 36,4% so với năm trước. Giao thông vận tải hầu như bị tê liệt, ảnh hưởng đến việc vận chuyển và cung cấp lương thực.

Do Thế chiến 1 và sau đó là nội chiến, quy mô quân đội Nga tăng lên rất lớn. Nguồn cung cấp thực phẩm là vô cùng cần thiết cho các binh sĩ. Để nuôi sống quân đội, chính phủ Xô viết đã ra lệnh trưng thu lương thực từ những người nông dân mà không hề bồi thường hoặc bồi thường rất ít. Do đó nông dân Nga bắt đầu sản xuất ít lương thực hơn và bán một phần sản phẩm của họ ra chợ đen. Khi chính phủ Xô viết nhận thức được điều này, họ bắt đầu chiếm ruộng đất và tịch thu lương thực từ nông dân, khiến cho tình hình sản xuất nông nghiệp trở nên tồi tệ hơn. Đúng lúc này thì hạn hán xảy ra tại Nga. Ví dụ, ở khu vực Samara Gubernia, lượng mưa trung bình của tháng 6 là 46,9 mm đã giảm xuống chỉ còn 5,1 mm vào năm 1921. Những điều này là nguyên nhân dẫn đến mất mùa.[4]

Khi nội chiến xảy ra vào năm 1919, tại các vùng nông thôn Nga, các nhóm quân Bạch Vệ tổ chức những cuộc nổi loạn, phá hoại ngầm, lật đổ những đoàn xe hỏa chở lương thực và những hàng thiết yếu khác cho tiền tuyến và hậu phương, khiến việc sản xuất nông nghiệp và vận chuyển lương thực bị đình trệ. Năm 1919, cả triệu quân Bạch Vệ đã chiếm nhiều vùng lãnh thổ lớn tại Nga (bao gồm nhiều vùng nông nghiệp quan trọng tại Ucraina và dọc sông Volga), các đội quân này một mặt đốt phá làng mạc, cướp bóc của cải, giành lấy lương thực từ nông dân để nuôi sống binh sỹ của họ, mặt khác ngăn chặn việc vận chuyển lương thực từ các vùng chiếm đóng sang các vùng do Hồng quân kiểm soát. Tướng Zhukov, khi đó là một thanh niên trẻ, ghi trong hồi ký rằng quân Bạch Vệ đã "cướp đến mẩu bánh mì cuối cùng trong gia đình nông dân"[5]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Nạn đói Nga 1921 http://www.paulbogdanor.com/left/soviet/famine/ell... http://news.stanford.edu/news/2011/april/famine-04... //www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/7953492 http://www.volgagermans.net/volgagermans/Volga%20F... //dx.doi.org/10.1080%2F09668130701291899 //dx.doi.org/10.1111%2Fj.1467-7717.1994.tb00309.x http://www.hoover.org/publications/digest/6731711.... http://www.marxists.org/archive/trotsky/works/1930... http://www.pbs.org/wgbh/americanexperience/films/f... http://dhktna.edu.vn/tai-nguyen-hoc-tap/chinh-sach...